Đền Thỏng (Đền Trình)

Admin

ĐỀN THỎNG (Đền Trình)

Vị trí, tên gọi Đền Thỏng ?

     Đền Thỏng hay còn gọi là đền Trình là ngôi đền đầu tiên khi khách bước vào quần thể của Trung tâm văn  hóa lễ hội Tây Thiên. Gọi là đền Trình là vì trước khi trèo núi, băng rừng, vượt suối lên đền Thượng Tây Thiên lễ Mẫu, ai qua đây cũng kính cẩn vào làm lễ với ý nghĩa là một sự trình báo trước về việc đăng sơn, cầu  cho được “chắc chân mạnh tay” trong suốt cả một chặng đường dài. Lại nữa, muốn vào nơi cửa Mẫu trên núi cao, đường vào là độc đạo qua hai thôn của xã Sơn Đình là Lan Thông và Khổn Thông; có nghĩa là để tới được cửa Mẫu phải qua hai lần cửa, cửa ngoài thoáng rộng và cửa trong kín đáo. Qua cửa thì phải Trình cho có phép tắc. Bởi vậy ngôi đền ở thôn Khổn Thông có nghĩa là đền Trình là do vậy.

    Ngôi đền này cũng có tục danh là đền Thỏng vì theo như lời khai của lí dịch xã Sơn Đình năm 1938 thì đời xưa có thôn Lan Thông nên gọi là đền Thỏng. Lan Thông thời kì đó bao gồm cả thôn Khổn Thông đời sau. Ngôi đền có hai tên gọi với hai ý nghĩa khác nhau:

- Gọi là Đền Trình với khách hành hương lên núi lễ Mẫu.

- Gọi là đền Thỏng là dựa vào ý nghĩa địa hình.

Kiến trúc đền Thỏng ?

     Ngôi đền là một kiến trúc mang tính khởi đầu cho cả hệ thống di tích Tây Thiên. Đền nằm ở chân núi, trên một nền cao rộng, được phục dựng theo phong cách cổ truyền. Mở đầu là hệ thống bậu đá chạy dài suốt mặt trước, với ba lối lên phân cách bởi bốn rồng lớn, hai rồng nguyên con ở giữa, hai rồng vân hóa kẹp hai lối lên. Kiểu thức này mang kiểu thức cung đình ( tương tự rồng ở lối chính lên điện Kính Thiên) Tiếp theo là nghi môn tứ trụ được dựng theo phong cách truyền thống. Đỉnh hai trụ lớn ( Cửa của thần)  là bốn con phượng áp đuôi vào nhau rồi vươn lên cao, ý nghĩa của phượng theo truyền thống là đầu đội công lý và đức hạnh, mắt tượng trưng cho mặt trời mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, lông là cây cỏ, đuôi là tinh tú, chân là đất.. Vì vậy Phượng tượng trưng cho vũ trụ, là hiện thân của bầu trời và mặt đất, là biểu tượng của vĩ nhân, của thánh thần, của nguồn sinh lực thiên thần vô biên. Sau nghi môn tứ trụ là sân đền được lát bằng đá. Ở nơi ấy không có đường riêng cho thần, bởi người dân địa phương cho rằng Quốc Mẫu Tây Thiên được coi là bà Mẹ khởi nguyên, thiêng liêng mang tư cách của một Đáng Vô cùng (quyền năng tối thượng, đứng đầu bách thần), lòng Mẹ bao la, nhân từ, vị tha gần gũi và không phân biệt.

     Ngôi chính điện có kết cấu mặt bằng hình chữ Đinh, với ba gian hai trái lớn, phần " Chuôi vồ" nơi đặt ban thờ của Thánh Mẫu có ba gian dọc. Tuy mới được tu bổ lớn nhưng điện thờ gần như giữ nguyên được kiểu dáng của tổ tiên để lại. 

     Trong tòa tiền tế còn treo quả chuông có tên Phù Nghì Tự Chung nghĩa là chuông chùa Phù Nghì, là quả chuông của chùa Phù Nghì trên núi Phù Nghì, do ngôi chùa đã đổ nát, nên người dân đã di về và đặt tại đây. Chuông được đúc vào đời vua Nguyễn Hiến Tổ, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 2 (1842). Trong đền còn có chiếc khánh đồng ghi hàng chữ Tam Đảo Sơn ở mặt trước, mặt sau ghi ngày 13 tháng giêng năm thứ 2 nhưng không ghi rõ về đời vua nào, có lẽ là ngày tạo lập, Nội dung chiếc khánh chủ yếu ghi danh sách các hội chủ ở các nơi về cung tiến.

     Ngoài sân đền có tấm bia đá 4 mặt, có nội dung:

     Mặt 1 có tên bia Tam Đảo Linh Sơn, ghi về hình thế cảnh quan núi Tam Đảo, viết vào năm Bảo Thái thứ 5 đời vua Lê Dụ Tông (1723).

     Mặt 2 có tên bia “Thạch Lập Bi Kí”, nội dung chép về công việc dựng tấm bia đá này, được viết vào ngày tốt lành hạ tuần tháng 4 năm Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 5 (1723).

     Mặt 3 có chữ đề Tây Thiên Thiền Tự là những dòng viết về chùa Tây Thiên trên núi Thạch Bàn.

     Mặt 4 có chữ đề Thập Phương Hội Chủ là ghi chép về danh sách những người có công đứng ra tu tạo. Trong đó thấy có nhiều danh sách các vị họ Lăng, là họ của người Kinh trong khu vực này.

Đền Thỏng thờ ai ?

      Đền Thỏng thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, đây là một trong 54 di tích thờ cúng Bà ở tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đền còn một bản thần tích vị Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu sao lại của đền Long Đậu xã Định Trung vào năm Bảo Đại thứ 12 (1937).

     Theo điều tra của Học viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp năm 1938, thì ngôi đền Thỏng là Hữu Thần Cung trong 3 thần cung thờ về Quốc Mẫu Tây Thiên núi Tam Đảo.

Văn Khấn Quốc Mẫu Tây Thiên ( Đền Thỏng)